Lò Văn Lâm – Tân sinh viên Trường ĐH Kinh tế Luật ĐHQG-HCM. Sinh ra và lớn lên ở xã Xuân Chinh huyện miền núi Thường Xuân (Thanh Hóa), Lâm có dáng người mảnh khảnh, nhưng đôi mắt toát lên sự mạnh mẽ, đầy nghị lực ở tuổi 18. Để học tiếp với Lâm đó là cả quá trình nỗ lực vượt bậc, bởi từ lúc lọt lòng cậu đã thiếu hơi ấm, sự quan tâm săn sóc từ người cha nhưng bạn và em trai cũng không được sống gần mẹ. Vì cuộc sống ở quê khốn khó, mẹ của Lâm – bà Lò Thị Thỏa (38 tuổi) – buộc phải khăn gói vào Bình Dương xin làm công nhân.
“Em được bà ngoại chăm sóc, nuôi dưỡng từ bé. Dù mẹ vẫn gửi tiền về lo cho hai anh em ăn học nhưng đồng lương công nhân ít ỏi nên việc chu cấp không thường xuyên. Mỗi lúc như vậy, ngoại đều xoay xở vay mượn để hai anh em được tiếp tục đến trường” – Lâm kể lại. Tuổi thơ thiếu hơi ấm của bố mẹ lâu dần rồi cũng thành quen. Chỉ có cái đói, cái nghèo khiến cậu học trò người dân tộc Thái nhớ mãi. Những ngày học tiểu học, Lâm không có bộ quần áo lành lặn đến lớp. “Chiếc quần em mặc tới trường mỗi ngày chằng chịt đường kim mũi chỉ” – Lâm chia sẻ.

Thương bà ngoại vất vả, sau khi học hết bậc tiểu học trường làng, Lâm quyết định xét tuyển vào Trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Xuân Chinh. Học ở trường bán trú giúp Lâm giảm bớt chi phí học hành. Bằng sự nỗ lực, Lâm còn nhiều lần được chọn vào đội tuyển thi học sinh giỏi cấp huyện, từng giành giải khuyến khích môn ngữ văn lớp 7. Bước vào THPT, dù việc học tập khó khăn hơn nhưng Lâm vẫn giữ vững thành tích khi nhiều năm liền đạt học sinh khá, giỏi. Lâm còn đoạt giải nhì môn giáo dục công dân tại kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh năm lớp 12.
Hoàn thành xong kỳ thi tốt nghiệp THPT, Lâm đón xe khách từ TP Thanh Hóa trở về quê phụ giúp bà nhổ cỏ, chăm sóc ruộng lúa mới cấy. Mọi việc xong xuôi, Lâm lại tất bật vào Bình Dương xin làm công nhân thời vụ để có tiền trang trải một phần chi phí học đại học phía trước. Hôm đi phỏng vấn, Văn Lâm nhận được câu hỏi: “Có thức đêm được không? Có đứng liên tục suốt 12 tiếng được không?”. Dù có phần lo lắng nhưng nghĩ đến mục tiêu và ước mơ của mình, Lâm nhanh nhảu gật đầu, thế là được nhận vào làm công nhân. Ngày đầu “hóa thân” thành anh công nhân bất đắc dĩ, Lâm không khỏi choáng váng. Bởi công việc không chỉ đòi hỏi thức đêm, mà còn phải đứng liên tục suốt 12 tiếng.
Chàng trai nghèo xứ Thanh mới nghỉ công việc thời vụ sau khi trường ĐH có lịch thông báo nhập học. Dù có phần tiếc nuối, song không còn cách nào khác, bởi việc học là quan trọng nhất với Lâm lúc này. Gần một tháng làm công nhân thời vụ giúp Lâm có thêm một khoản tiền trang trải việc học hành trước mắt.
Theo cô Phạm Thị Thanh Hà – giáo viên chủ nhiệm lớp 12 của Lâm chia sẻ: “Từ nhỏ, Lâm đã thiếu hơi ấm của bố, còn mẹ vì hoàn cảnh nên đã vào Bình Dương làm công nhân nhiều năm. Lâm và em trai sống nương tựa bà ngoại ở quê tại huyện Thường Xuân. Với thầy cô và bạn bè, Lâm là tấm gương về nghị lực vượt khó đáng tuyên dương và học tập”.
(Nguồn: Báo Tuổi trẻ)