Hành trình học tập của bạn Anh Thư – Tân sinh viên ngành Du lịch Trường ĐH Mở TP.HCM vốn nhiều thác ghềnh nhưng khát khao giành lấy con chữ chưa bao giờ dừng lại đã giúp Thư tìm mọi cách vượt lên số phận.

  Tuổi thơ của Thư vốn yên bình ở Đồng Tháp. Gia đình đủ sống với thửa ruộng nhỏ trồng lúa cùng góc hàng bán cá của mẹ ở chợ. Rồi cha mẹ nuôi cá với hy vọng có cuộc sống khấm khá hơn nhưng thua lỗ nặng, nợ nần khắp nơi. Bán ruộng, ba mẹ tìm đường lên thành phố làm công trả nợ dần. Hai anh em Thư gửi nhờ ông bà nội, ngoại ở quê.

    Ở với ông bà ngoại, ông bà phải đi đánh cá xa, không ai trông coi nên còn chưa kịp học xong lớp 3, Thư buộc phải nghỉ. Sau đó cha mẹ đón hai anh em lên Sài Gòn ở cùng nhưng Thư vẫn chưa được đi học lại. Phải đến khi chuyển trọ sang phường 9 (quận Phú Nhuận), Thư bắt đầu lại từ lớp 2.

    Thư vào cấp III tại Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp và Giáo dục thường xuyên quận Phú Nhuận, may mắn gặp được nhiều thầy cô luôn hết lòng vì học trò. Anh Thư học giỏi, được nhận học bổng khuyến tài năm lớp 10. Vào lớp 11 đi thi và mang về giải ba môn sinh học cấp thành phố kỳ thi học viên giỏi giáo dục thường xuyên. Năm cuối cấp, Thư được tin tưởng gửi vào đội tuyển Địa lý. Vừa là môn học yêu thích, vừa để không phụ lòng tin của các thầy cô và Thư đã làm được khi giành giải nhất cấp thành phố môn địa lý kỳ thi học viên giỏi giáo dục thường xuyên về cho trung tâm.

     Nói về người học trò nhỏ, cô Phạm Hồi (Giáo viên chủ nhiệm) không giấu được sự tự hào, niềm tin ở cô bé. “Anh Thư làm lớp phó học tập ba năm liền, luôn gương mẫu, nhiệt tình, nghiêm túc trong các hoạt động của lớp, rất cởi mở, hay giúp đỡ các bạn. Dù hoàn cảnh gia đình khó khăn nhưng Thư luôn mạnh mẽ, vui cười và cố gắng”, cô Hồi nói.

   Theo cô Hồi, nét đặc biệt ở Thư chính là khả năng đặt mục tiêu trong quá trình học tập, rất tự giác và phấn đấu hết mình để đạt mục tiêu đã đề ra. Không chỉ phấn đấu và học tốt để mong sau này có cuộc sống tốt hơn, với Anh Thư học còn là cách để bản thân có thể đóng góp dù chỉ là phần nhỏ bé cho sự phát triển của đất nước.

    Trúng tuyển ĐH, đi kèm với niềm vui là nỗi lo gánh nặng tài chính, sợ không đủ sức theo trọn bốn năm học. Những ngày này, Thư xoay xở, hỏi thăm khắp nơi tìm chỗ tuyển dụng để xin đi làm thêm. “Em làm ở đâu cũng được, kể cả công việc chân tay cũng được, chỉ mong trang trải được học phí để theo học “, Thư bộc bạch.

(Nguồn: Báo Tuổi trẻ)