“Chuyện gì đến thì mình từ từ đón nhận rồi tìm cách giải quyết” – tâm niệm như vậy nên khi trải qua những biến cố trong cuộc đời, Nguyễn Khắc Mạnh – sinh viên năm hai Khoa Cơ khí, Trường ĐH Bách khoa ĐHQG-HCM – chưa từng nản lòng. Đối với Mạnh, điều giúp cậu kiên định với hành trình học tập chính là gia đình. Khắc Mạnh kể cậu không có ký ức về mẹ vì mẹ của Mạnh mất khi cậu chưa tròn 7 tháng tuổi. Một mình ba chăm sóc 3 đứa con thơ bằng nghề nông. Thu nhập bấp bênh nên gia đình thường xuyên thiếu trước, hụt sau.
Nỗi đau này chưa nguôi ngoai thì sóng gió khác lại ập đến. Bốn năm sau, chị gái của Mạnh được chẩn đoán mắc bệnh tâm thần. “Lúc đó, gia đình mình suy sụp cả về vật chất lẫn tinh thần, không khí trong nhà u buồn lắm” – Mạnh hồi tưởng. Khi Mạnh lên lớp 10 thì bệnh tình của chị gái ngày càng trở nặng, đánh đập cả người thân. Vì sợ ba áp lực nên lúc nào Mạnh cũng túc trực bên cạnh để động viên và may mắn là ba của Mạnh đã vượt qua giai đoạn khó khăn đó.
Dẫu trải qua nhiều biến cố, nam sinh quê Quảng Trị chưa bao giờ xao nhãng việc học. Trong suốt 12 năm, Mạnh luôn là học sinh giỏi tốp đầu của lớp. Từ những năm tiểu học, Mạnh đã chăm chỉ phụ giúp ba mọi việc đồng áng. Lớn lên, anh làm thợ phụ cho các thợ xây dựng và mộc trong làng để kiếm thêm thu nhập. Một sự việc đau lòng khi chứng kiến chú thợ mộc bị tai nạn vì máy cắt gỗ hỏng đã thúc đẩy Mạnh theo đuổi ước mơ chế tạo máy móc để hỗ trợ người lao động. Vì vậy, Mạnh quyết định theo học ngành Kỹ thuật Cơ khí tại Trường ĐH Bách khoa.
Mạnh đã đặt mục tiêu tốt nghiệp loại Khá và thay đổi phương pháp học tập để đạt được điều này. Mạnh chuẩn bị trước tài liệu, tập trung nghe giảng để hiểu bài ngay trên lớp và học thêm kỹ tại nhà sau giờ học. Cuối tuần, anh hệ thống lại kiến thức đã học để ôn tập trước kỳ thi. Nhờ cách học này, Mạnh đã cải thiện điểm trung bình lên 8,0 vào năm thứ hai học đại học.

Mạnh đã đặt mục tiêu tốt nghiệp loại Khá và thay đổi phương pháp học tập để đạt được điều này. Mạnh chuẩn bị trước tài liệu, tập trung nghe giảng để hiểu bài ngay trên lớp và học thêm kỹ tại nhà sau giờ học. Cuối tuần, anh hệ thống lại kiến thức đã học để ôn tập trước kỳ thi. Nhờ cách học này, Mạnh đã cải thiện điểm trung bình lên 8,0 vào năm thứ hai học đại học.
Những nỗ lực không ngừng của Khắc Mạnh đã phần nào được công nhận khi cậu trở thành nhân vật chính trong chương trình Ước mơ cho em và được trao học bổng trị giá 90 triệu đồng. Mạnh cho biết cậu rất bất ngờ trước kết quả này vì lúc phỏng vấn, ai cũng có câu chuyện riêng và trình bày rất hay, còn cậu thì chia sẻ khá sơ sài.
Vốn là người thích chia sẻ nên Khắc Mạnh còn tham gia Câu lạc bộ (CLB) Công tác xã hội Khoa Cơ khí từ năm thứ nhất. Thứ 7 hằng tuần, cậu thường đến Cơ sở Bảo trợ xã hội cô nhi Thiên Bình ở Đồng Nai cùng các thành viên CLB để dạy kèm cho các em nhỏ và phụ việc nhà như giặt thảm, chặt củi, làm vườn… hay đi phát quà đêm cho người vô gia cư với nhóm bạn.
Về dự định tương lai, Mạnh bày tỏ: “Trước mắt, mình sẽ tập trung nâng cao kiến thức, kỹ năng chuyên môn và trau dồi tiếng Anh để tốt nghiệp đúng hạn, đạt loại Khá trở lên. Sau 5-10 năm làm việc ở Sài Gòn, mình sẽ về quê để thuận tiện chăm sóc ba và chị gái. Nếu thuận lợi, mình muốn mở xưởng cơ khí để cung cấp máy móc, thiết bị hỗ trợ người lao động và tạo việc làm cho bà con”.
Lê Tấn Đạt (sinh năm 2001) sinh viên ngành Khoa học dữ liệu trường ĐH Công nghiệp TP.HCM là một tấm gương phi thường về nghị lực vượt khó. Đạt sinh ra trong một gia đình có hoàn cảnh rất khó khăn, cha và mẹ quanh năm vất vả làm thuê. Ông Lê Văn Ga (cha Đạt) kể lại: “Khi sinh ra, cháu đã mang trong người bệnh tật do bị nhiễm chất độc hóa học, chân bị teo cơ, không thể đi lại được. Mặc dù đã được đưa đi khắp nơi để chữa trị nhưng bệnh tình cũng không tiến triển. Lúc 9 tuổi, gia đình đưa cháu đi thành phố Hồ Chí Minh phẫu thuật gân, sau đó mới tập đi lại nhưng đi khập khiễng, 2 gối cong vẹo, phải chống nạng khi đi lại”.
Nhìn lại chặng đường đã qua, Lê Tấn Đạt xúc động nói: “Sau lần phẫu thuật, em vận động vẫn còn khó khăn, sinh hoạt hàng ngày đều cần có sự giúp đỡ của cha mẹ”. Không ít lần, với suy nghĩ bản thân không thể làm được gì cho gia đình, cho xã hội, Đạt tưởng chừng như gục ngã trước mọi khó khăn. Nhưng trước sự động viên của gia đình, người thân, bạn bè, bạn nhận thức được rằng tuy khuyết tật về cơ thể nhưng may mắn vẫn còn nhận thức được và suy nghĩ như bao nhiêu người bình thường khác. Với quyết tâm phải cố gắng trong học tập, phải cố gắng trong cuộc sống để vươn lên cho bằng những người bình thường trong xã hội, Đạt đã bắt đầu tìm tòi, sử dụng máy vi tính và các thiết bị thông minh, đọc sách, tài liệu, truy cập internet…

Ngày mà Đạt có kết quả thi đỗ vào đại học, không chỉ gia đình, người thân mà cả xóm vui như mở hội. Không ai có thể nghĩ rằng ở một làng quê hẻo lánh lại có một chàng thanh niên khuyết tật thi đỗ vào đại học – điều mà ngay cả nhiều người lành lặn chưa thực hiện được.
Vào đại học, Đạt được thầy cô và các bạn chung phòng ký túc xá nhiệt tình hỗ trợ, nên bản thân đã quên đi mặc cảm, tìm lại được niềm vui qua học tập. Trong thời gian học đại học, Đạt đã nhận được học bổng và hỗ trợ từ Quỹ học bổng VietSeeds để thêm vững bước trên hành trình chinh phục ước mơ của mình. Trong hành trình đó, Đạt đã may mắn cùng các đồng đội dành được vị trí TOP 6 tại cuộc thi “Tìm kiếm tài năng Khoa học dữ liệu” do ĐH Ngoại thương tổ chức.
Ngoài giờ học, bạn còn chăm chỉ đi làm thêm, miệt mài học tập, tham gia nhiều hoạt động ngoại khóa và hoạt động tình nguyện vì cộng đồng. Hiện Đạt là nhân viên nghiên cứu & phát triển khoa học của Học viện Công nghệ MCI Vietnam, tham gia xây dựng chương trình đào tạo phân tích dữ liệu, khoa học dữ liệu cho học viên, đồng thời tư vấn, đào tạo chuyển đổi số cho các doanh nghiệp lớn nhỏ tại Việt Nam.
Nguyễn Quốc Trung (năm thứ ba, khóa 2021, ngành Hóa học, trường ĐH KHTN, ĐHQG TP. HCM) có niềm đam mê mãnh liệt với việc nghiên cứu khoa học. Quốc Trung chia sẻ, bạn là tác giả chính của 7 đề tài nghiên cứu, trong đó 2 đề tài được đăng tải trên các tạp chí quốc tế uy tín. Nhờ thành tích ấy, Trung đã nhận giấy khen “Tác giả đứng đầu bài báo đăng trên tạp chí quốc tế uy tín của ngành, được công nhận bởi ISI” của Giám đốc ĐHQG TP. HCM, cùng nhiều giải thưởng khác. Không dừng ở đó, anh còn nằm trong danh sách 10 tài năng trẻ được trao bảo trợ từ Hội đồng Quỹ bảo trợ tài năng trẻ TP. HCM.
Nói về động lực thôi thúc mình miệt mài với con đường nghiên cứu, Quốc Trung mong muốn phát triển dược liệu từ nguồn thực vật phong phú của Việt Nam. Từ đó, Trung và các cộng sự có thể tìm ra các hợp chất tự nhiên có hoạt tính sinh học và xây dựng các hệ thống phân phối hoạt chất trong hỗ trợ điều trị bệnh. “Vật liệu dẫn truyền thuốc và hoạt chất sinh học có khả năng khắc phục được những nhược điểm của các dạng bào chế thông thường giúp tăng sinh khả dụng và hoạt tính sinh học của dược liệu”, Quốc Trung giải thích.

Trong một lần vô tình phát hiện cây cúc leo ở gần trường, Trung đã bắt đầu tìm hiểu về loài cây được Bộ Tài nguyên và Môi trường đưa vào danh sách loài ngoại lai có nguy cơ xâm hại này. Được biết, cúc leo hiện đang lan rộng và gây hại cho các loài thực vật bản địa, làm mất cân bằng sinh thái. “Mình đã nghĩ liệu rằng, có thể sử dụng loài cây có hại này cho mục đích có lợi nào không. Thật may mắn, chúng mình đánh giá khả năng tổng hợp nano bạc (một loại vật liệu có khả năng kháng khuẩn và không gây độc cho tế bào) từ cúc leo là một hướng nghiên cứu có tiềm năng”. Sau đó, đề tài được chấp nhận đăng tải trên Tạp chí Khoa học và Công nghệ Việt Nam của Bộ Khoa học và Công nghệ (năm 2023), đồng thời là niềm tự hào to lớn đối với Trung.
Việc cân bằng giữa việc học trên lớp và việc nghiên cứu khiến Trung đối mặt không ít áp lực. Vào những lúc như vậy, Quốc Trung sẽ dành thời gian chạy bộ để thư giãn đầu óc. Bí quyết quan trọng nhất giúp anh gặt hái “quả ngọt” đến từ sự kiên trì. Quốc Trung cho rằng: “Làm cái gì cũng được nhưng phải kiên trì. Việc chúng ta thành công không đến từ một ngày, hai ngày mà đến từ quá trình kiên trì và nỗ lực”.
Nói về kế hoạch trong tương lai, anh chia sẻ vừa nhận được thư chấp nhận của Bộ Giáo dục Đài Loan về Chương trình Giáo dục trải nghiệm 3 tháng tại Đài Loan (Trung Quốc) vào tháng Bảy năm nay. Ngoài ra, sau khi tốt nghiệp cử nhân, anh ấp ủ dự định đăng ký du học tiến sĩ tại Hàn Quốc để có thể tìm thêm nhiều phương pháp mới, tiên tiến nhằm phát triển nguồn y học cổ truyền của Việt Nam. “Sau cùng, mong muốn của mình là có thể trở thành người truyền cảm hứng cho các bạn trẻ khác, giúp các bạn nuôi dưỡng đam mê nghiên cứu khoa học”.
Nguyễn Thị Hồng Vân (SN 2003) đang là sinh viên năm 3 chuyên ngành Marketing, Trường ĐH Văn Lang. Là một cô gái có niềm đam mê với thể thao, Vân từng tham gia thi đấu Taekwondo chuyên nghiệp cho tỉnh Thừa Thiên Huế. 6 năm theo đuổi đam mê cùng với việc cố gắng đảm bảo việc học, Vân đã quyết định dừng lại việc thi đấu sau sự cố chấn thương gối vào năm 15 tuổi. Từ đó, Vân rẽ hướng và chinh phục con đường học tập của mình và may mắn đạt được nhiều danh hiệu, đối với Vân đó là một niềm tự hào.
Một cô bé 12 tuổi xa ba mẹ lên thành phố, mọi thứ đối với Hồng Vân đều bỡ ngỡ. Thời gian đầu cô nàng có ý định nghỉ tập vì quá nhớ gia đình, lại không quen với nếp sống tập thể cũng như chưa bắt kịp được cường độ huấn luyện của đội. Có những ngày Vân phải tập luyện từ 5 giờ sáng, sau đó đi học rồi tiếp tục về tập đến 9 giờ tối. Thời gian nghỉ ngơi của Vân rất ít.

Nữ sinh Văn Lang chia sẻ: “Vừa phải đảm bảo thành tích trong võ thuật vừa học văn hóa khiến bản thân mình thấy rất áp lực. Nhờ những lần động viên từ các huấn luyện viên và bố mẹ, mình không bỏ cuộc. Mình tham gia thi đấu năm 2016 và có được huy chương đầu tiên trong đời. Mong muốn giành chiến thắng để mang lại niềm tự hào nên mình đã nỗ lực phấn đấu trong thời gian theo tập tại đội.”
Từng là “một kiện tướng Taekwondo”, danh hiệu của một “sinh viên tiêu biểu” và “Á khôi 2 Hoa khôi Văn Lang 2023”, Vân không tự cho những thành tựu ấy là giới hạn trên con đường phát triển của mình. Vì thế, Vân quyết định tham gia một cuộc thi sắc đẹp quy mô toàn quốc trong năm nay để chứng minh rằng “Không có bất kỳ giới hạn nào cho sự thành công”. Chúng ta vẫn có thể phát triển và làm được nhiều hơn thế miễn là chúng ta quyết tâm và kiên trì.

Nữ sinh gen Z mong muốn bản thân trở thành một người con gái tự tin, bản lĩnh và làm chủ được cuộc sống. Chính vì lẽ đó Hồng Vân đã tự tạo những cơ hội thử thách bản thân dù là thể thao, học tập hay tham gia những hoạt động cộng đồng để cô có thể phát triển hơn từng ngày.
Là một sinh viên thời đại công nghệ phát triển, Hồng Vân mong muốn dùng hình ảnh cũng như tiếng nói của mình để có thể góp sức giúp các bạn kết nối với nhau, mở lòng và tự tin phát biểu trong trường học cũng như là cộng đồng. Xã hội văn minh đi đôi với một cộng đồng yêu thương và kết nối.
Lần đầu tham gia cuộc thi ‘Mitsubishi Electric Cup 2024’ (MECA2024), nhóm BKET (trường ĐH Bách khoa, ĐHQG TP. HCM) đã mang về giải Nhì chung cuộc, với dự án “Xây dựng hệ thống phân loại rác tự động tại tòa nhà chung cư, bệnh viện”.
Đội BKET gồm 4 sinh viên năm thứ ba, chuyên ngành Kỹ thuật Điều khiển và Tự động hóa: Nguyễn Trọng Phúc, Bạch Ngọc Phú, Nguyễn Minh Huân, Nguyễn Chí Trung sự hướng dẫn của TS Nguyễn Trọng Tài (khoa Điện – Điện tử) thực hiện dự án xây dựng hệ thống phân loại rác tự động. Mục đích của dự án hướng đến việc giảm thiểu lượng rác thải đưa đến các nhà máy xử lý, đặc biệt là các rác thải có hại khi chôn trong đất như hạt vi nhựa, hạt xốp có thể ảnh hưởng lâu dài đến môi trường và gây ung thư cho con người.

Dự án được thiết kế với 2 cụm thành phần. Cụm phân loại cơ học cho phép phân loại rác theo các kích thước khác nhau, gồm rác có kích thước ngoại cỡ; rác cỡ nhỏ và loại bỏ chất lỏng; rác thải có kích thước vừa được đưa đến cụm thứ 2. Cụm thứ 2 phân loại chất thải nguy hại, tái chế và chất thải thông thường bằng giải pháp “vision” kết hợp với mạng thần kinh nhân tạo để nhận dạng, phân biệt các loại rác thải khác nhau như: tái chế, nguy hại, thông thường. Rác được phân loại bằng cơ cấu cánh tay robot.
Trong vòng Chung kết MECA 2024 diễn ra tại ĐH Cần Thơ vào ngày 6/7/2024, đội BKET đã tự tin thuyết minh đề tài và ứng biến nhanh với những câu hỏi bất ngờ từ Ban Giám khảo và xuất sắc đoạt giải Nhì chung cuộc.
TS Nguyễn Trọng Tài (người hướng dẫn nhóm đề tài) chia sẻ: “Lần đầu thử sức ở sân chơi này, các đội tuyển trường ĐH Bách khoa chưa có nhiều cơ hội tiếp cận với thiết bị của Mitsubishi trước đó nên việc học và áp dụng thành thạo các thiết bị vào dự án trong vòng 4 tháng là một nỗ lực đáng ghi nhận. Nhóm BKET đã thể hiện được sức sáng tạo, hơn hết là đã thi đấu hết mình và trang bị thêm nhiều kiến thức mới mẻ, đúc kết kinh nghiệm để bứt phá hơn trong những lần thi tiếp theo”.
Nhữ Thị Phương Thảo (20 tuổi) đang là sinh viên năm 3 chuyên ngành Luật kinh tế tại khoa Luật, Trường Đại học Công nghệ TP.HCM. Với sở thích đọc sách và viết lách từ nhỏ, Phương Thảo đã tham gia nhiều cuộc thi Học sinh Giỏi Ngữ Văn các cấp. Trên cương vị Đảng viên trẻ, nữ sinh luôn nỗ lực học tập và đạt nhiều thành tích. Mới đây, cô vinh dự nhận danh hiệu Sinh viên 5 tốt cấp Trung ương 2023.
Chia sẻ về quyết định lựa chọn ngành học, Thảo nhớ lại: “Từ sở trường của bản thân, mình dần tìm hiểu về ngành Luật và lắng nghe sự tư vấn từ mọi người về ngành học này. Từ tấm gương của một người anh trong nhà học ngành Luật khóa trên đã đạt nhiều thành tích trong phong trào sinh viên giúp mình càng thấy yên tâm và quyết chinh phục nguyện vọng.”

Theo Phương Thảo, qua quá trình học tập tại Trường ĐH Công nghệ TP.HCM, ngoài kiến thức cơ sở và chuyên ngành cô cùng các bạn sinh viên tích lũy thêm nhiều kỹ năng ứng dụng hiệu quả trong học tập, làm việc và giao tiếp hàng ngày. Trong lĩnh vực học thuật, Phương Thảo được học hỏi nhiều ở thầy cô, các anh chị đi trước và bạn bè cùng khóa. Bạn bắt đầu tự tạo cho mình một thói quen về học tập, tham gia các câu lạc bộ học thuật, nghiên cứu viết bài báo khoa học, và đặt ra cho bản thân một lộ trình học vượt đạt hiệu quả.
Bên cạnh học tập, Phương Thảo đã trưởng thành sau gần 3 năm gắn bó với công tác Đoàn – Hội. Tự hào khi khoác lên mình hai màu áo Đoàn Thanh niên và Hội Sinh viên, cô cho biết: “Mình bắt đầu thử sức với những công việc trước giờ chưa từng làm. Bản thân tự tin hơn trước đám đông, trở nên năng động và sáng tạo khi trở thành MC tại các sự kiện, chương trình của Khoa, Trường. Tham gia công tác Đoàn – Hội, Phương Thảo được tiếp xúc với các anh chị khóa trước gặt hái được nhiều thành tích trong phong trào Sinh viên 5 tốt. Bên cạnh đó, khi học tập tại khoa Luật – 1 trong những đơn vị nhiều năm liền dẫn đầu về phong trào Sinh viên 5 tốt, Phương Thảo có thêm động lực cố gắng học tập, rèn luyện với 5 tiêu chí: Đạo đức tốt – Học tập tốt – Thể lực tốt – Tình nguyện tốt – Hội nhập tốt.

Để đạt được các thành tích tiêu biểu qua các năm học, bạn tạo cho bản thân thói quen cân bằng thời gian giữa học tập và hoạt động phong trào Đoàn – Hội. Trong năm 2024, Phương Thảo tiếp tục cố gắng học tập, rèn luyện để chinh phục thêm các danh hiệu cao quý và thử sức với nghiên cứu khoa học cùng nhiều hoạt động khác.
Theo Phương Thảo, để sống có ích cho xã hội, mỗi bạn trẻ cần xây dựng ước mơ, hoài bão, có ý thức cống hiến cho cộng đồng và không làm trái với chuẩn mực đạo đức của xã hội. “Trong 365 ngày qua, mình tự tin rằng bản thân chưa bao giờ có suy nghĩ bỏ cuộc nên mình muốn gửi đến các bạn trẻ – những người đã và đang nghị lực để đi tới những giây phút này rằng, trong hành trình của tuổi trẻ, nếu mệt mỏi quá thì hãy tạm dừng nghỉ một chút chứ đừng bỏ cuộc, vì thành quả tốt đẹp đang chờ đón ta ở phía trước.” – Phương Thảo kết lời.
Thành tích tiêu biểu trong học tập và rèn luyện của Phương Thảo:
- Uỷ viên Ban kiểm tra Hội Sinh viên trường;
- Liên chi hội phó Liên chi hội khoa Luật;
- Ủy viên Ban chấp hành Đoàn khoa Luật;
- Kết nạp Đảng Cộng sản Việt Nam ngày 23/11/2023;
- Sinh viên 5 tốt cấp Trung ương năm 2023;
- Sinh viên 5 tốt cấp Thành phố năm học 2022 – 2023;
- Giấy khen “Đã có những đóng góp tích cực trong công tác Hội và phong trào sinh viên năm học 2022 – 2023” của Hội sinh viên trường;
- Giấy khen “Đã có thành tích xuất sắc trong hoạt động Hè và các chương trình, chiến dịch tình nguyện Hè năm 2023” của UBND huyện Nhà Bè;
- Giấy khen “Hoàn thành tốt nhiệm vụ ban cán sự lớp năm học 2022 – 2023” của Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ TP.HCM;
Huỳnh Hoàng Tú, sinh viên năm thứ 3 ngành Y đa khoa tại Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch, đã chọn theo đuổi nghề Y vì mẹ mình. Mẹ của Tú, người đã hy sinh nhiều cho gia đình và làm việc vất vả, có sức khỏe kém. Từ việc chăm sóc mẹ và chứng kiến bệnh tật, Tú đã nhen nhóm ước mơ trở thành bác sĩ để chăm sóc cho mẹ và người thân.
Sau kỳ thi THPT Quốc gia 2021 và khi dịch COVID-19 bùng phát, Tú trở thành tình nguyện viên chống dịch. Bạn tham gia nhiều công việc như gác cổng, truy vết F0, hỗ trợ tiêm vaccine và test COVID. Những trải nghiệm này không chỉ giúp Tú yêu thích ngành Y hơn mà còn củng cố quyết tâm theo đuổi sự nghiệp y tế của mình. Năm 2021 với sự quyết tâm và cố gắng, Hoàng Tú thi đỗ và theo học tại Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch.

Chính nhờ những nhân duyên đặc biệt và sự cố gắng của bản thân, Tú đã gặt hái được nhiều thành tích cao. Hoàng Tú là học sinh duy nhất của tỉnh Bình Dương đạt danh hiệu “Học sinh 3 Tốt” cấp Trung ương năm học 2019-2020 và tiếp tục đạt được danh hiệu cao quý ấy trong năm học 2020-2021.
Hoàng Tú tâm sự: “Nhờ danh hiệu cao quý này cùng với quá trình nỗ lực không ngừng của bản thân, mình đã được kết nạp vào hàng ngũ của Đảng khi còn là cậu học sinh lớp 12. Điều đó càng thôi thúc mình phải học tập, phải phấn đấu hơn nữa để không phụ lòng mọi người tin tưởng, yêu thương”.
Hoàng Tú may mắn tiếp xúc với công tác Đoàn – Hội từ rất sớm. Nhờ tham gia hoạt động Đoàn-Hội tích cực, bạn có được kinh nghiệm tổ chức hoạt động, kinh nghiệm giao lưu, hòa nhập với mọi người và có thêm nhiều kỹ năng mềm. Ngay từ năm nhất, Hoàng Tú được tín nhiệm giữ chức vụ Bí thư Chi Đoàn Y2021B. Tú đã mạnh dạn tham gia thi và vượt qua các thử thách để trở thành TOP 50 thí sinh xuất sắc nhất trong cuộc thi Thủ lĩnh sinh viên Thành phố Hồ Chí Minh lần 6, năm 2022. Hiện nay, Huỳnh Hoàng Tú đang giữ vị trí Phó Chủ tịch Hội Sinh viên Việt Nam Trường, Ủy viên Ban Chấp hành Đoàn Trường và Phó Bí thư Chi bộ Sinh viên 3 của Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch.

Trong môi trường Đoàn-Hội và công tác tình nguyện, Tú được gặp gỡ nhiều người hơn, đó là những người thầy, những người bạn từ những nơi xa lạ có chung niềm đam mê, chung hoài bão mà gắn bó với nhau, sẵn sàng giúp đỡ nhau mọi lúc, chia sẻ cho nhau những bài học kinh nghiệm, nâng cao kiến thức, kỹ năng công tác của bản thân. Đồng thời, nếu không có cơ hội tham gia Đoàn-Hội, công tác tình nguyện, mình sẽ không thể đi đến nhiều nơi mà ở đó có nhiều người đang khó khăn cần sự giúp đỡ. Với Tú, cho đi chính là nhận lại, nhận lại được nụ cười, lời cảm ơn và đặc biệt là tình yêu thương của tất cả mọi người dành cho một cán bộ Đoàn-Hội, một tình nguyện viên vì cộng đồng. Đây chính là nguồn động lực to lớn để Hoàng Tú tiếp tục tham gia công tác, tiếp tục nhiệm vụ của mình và giúp đỡ thêm nhiều người hơn nữa.
Hoàng Tú nhắn gửi đến các bạn trẻ: “Mình nghĩ, mỗi người đều có suy nghĩ riêng, định hướng riêng cho bản thân và có những tài năng, sở trường, thế mạnh riêng. Điều mà thế hệ trẻ cần đó chính là biết tận dụng tài năng, thế mạnh ấy để giúp đỡ cho cộng đồng, dùng chính sức lực của bản thân để tạo ra những điều có ích cho xã hội”.
Trần Đăng Khoa sinh viên năm ba, khoa Du lịch Trường ĐH KHXH&NV ĐHQG-HCM là một tấm gương tiêu biểu cho thế hệ trẻ năng động, nhiệt huyết, sẵn sàng dấn thân vì những giá trị tốt đẹp. Những ngày đầu còn ngồi trên ghế trường phổ thông, Đăng Khoa đã nuôi mong ước cống hiến cho cộng đồng. Đến khi lên đại học thì những mong muốn của Khoa đã trở thành hiện thực.
Ba năm tham gia ‘Tiếp sức mùa thi’, Khoa không chỉ là một thành viên tích cực mà còn nỗ lực hỗ trợ, trở thành nguồn động viên cho các thí sinh trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT. Đặc biệt, trong chương trình ‘Tiếp sức mùa thi’ 2024, Đăng Khoa lần đầu giữ vị trí đội trưởng trong đội hình ở quận 1. Với Khoa, vị trí này đã cho bạn nhiều trải nghiệm khó quên.
Ngoài ‘Tiếp sức mùa thi’, Khoa cũng tham gia nhiều hoạt động thiện nguyện khác, đáng nhớ nhất là ‘Mùa Hè Xanh’ năm 2023, tại xã Lộc Khánh, huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước. Tại đây, Khoa được tham gia dạy tiếng Việt cho các bạn nhỏ là đồng bào Khmer, các công trình “Bảng vẽ chữ”, “Kệ sách cho em” và hỗ trợ người dân làm định danh điện tử.

Đăng Khoa tâm sự: “Mình tham gia các hoạt động thiện nguyện không chỉ để giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn mà còn để bản thân học hỏi và trưởng thành hơn. Mỗi hoạt động thiện nguyện là một trải nghiệm quý giá giúp mình hiểu hơn về cuộc sống, về những con người xung quanh và biết trân trọng những gì mình đang có”.
Tham gia các hoạt động thiện nguyện đã giúp Khoa rèn luyện nhiều kỹ năng mềm quý giá như giao tiếp, làm việc nhóm, giải quyết vấn đề… Khoa cũng học được cách lắng nghe, thấu hiểu và chia sẻ với những người có hoàn cảnh khó khăn. Những trải nghiệm quý giá này đã giúp Đăng Khoa trưởng thành và bản lĩnh hơn, đồng thời cũng là hành trang quan trọng để anh theo đuổi ước mơ trong tương lai.

Bên cạnh những hoạt động xã hội sôi nổi, Khoa không quên phấn đấu trong việc học. Bạn luôn nỗ lực trau dồi kiến thức chuyên môn và rèn luyện các kỹ năng cần thiết, giành nhiều học bổng và đạt Danh hiệu ‘Sinh viên 5 tốt’ cấp ĐHQG TP. HCM, cùng nhiều thành tích nổi bật khác.
Khoa khẳng định: “Đối với mình, học tập là nền tảng quan trọng để có thể theo đuổi ước mơ và cống hiến cho xã hội. Mình luôn cố gắng học tập một cách nghiêm túc và hiệu quả để đạt được kết quả tốt nhất”.
Với sự đam mê với ngành Du lịch, Đăng Khoa đã đặt ra mục tiêu sẽ áp dụng những kiến thức và kinh nghiệm của mình để phát triển du lịch tại Long An. Anh chia sẻ: “”Long An có nhiều tiềm năng du lịch chưa được khai thác hết. Mình mong muốn sẽ góp phần nhỏ của mình vào việc phát triển bền vững du lịch tại địa phương này, từ đó mang lại lợi ích kinh tế và bảo tồn các giá trị văn hóa, thiên nhiên của quê hương mình”.
Nguyễn Thị Thúy Kiều sinh viên năm nhất, khoa Marketing, trường ĐH Tài chính – Marketing. Lớn lên tại một xã còn nhiều khó khăn của tỉnh Đắk Lắk, mỗi ngày trông thấy cha mẹ làm lụng vất vả, Kiều lấy đó làm động lực, quyết tâm học tập và đạt mục tiêu đã đề ra.
Sinh ra và lớn lên trong một gia đình thuần nông, Thúy Kiều sớm nhận ra nỗi vất vả, lo toan của gia đình. Cha mẹ Kiều luôn làm việc rất chăm chỉ, bất kể ngày nắng hay mưa. Có những đêm trước kỳ thi Tốt nghiệp THPT, Kiều ôn bài đến tận khuya và biết rằng, cha đi bốc vác, kéo thuê vẫn chưa về. Vào mùa mủ cao su, cha mẹ bạn thường xuyên dậy từ 3h – 4h sáng để lấy mủ đem bán. Tuy vất vả là thế, cha mẹ bạn luôn cố gắng tạo điều kiện cho hai chị em được đi học đầy đủ, dù cho xung quanh không ít bạn người đồng bào phải từ bỏ việc học để ra đời từ sớm.

Thúy Kiều tâm sự: “Ý thức được sự lo toan, trăn trở về cuộc sống, tương lai của gia đình trong lòng ba mẹ mỗi khi đêm xuống, mình đã rất cố gắng để hoàn thành mong mỏi của ba mẹ là đậu vào ngôi trường mà mình hằng mong ước”. Đáp lại sự hy sinh cao cả của cha mẹ, Kiều trúng tuyển vào khoa Marketing, trường ĐH Tài chính – Marketing với số điểm cao.
Rời xa vòng tay của cha mẹ, Kiều khăn gói lên TP. HCM nhập học, với kim chỉ nam là “hành lý quần áo phải nhẹ hơn hành lý của sự nhiệt huyết và bản lĩnh”. Những ngày đầu đến Sài Gòn, bạn gặp khó vì chưa thích nghi với môi trường mới nên đã tìm kiếm sự giúp đỡ, lời khuyên từ các anh chị đang học tập tại đây. Nhờ vậy, Kiều dần thích nghi với cuộc sống, có thêm những trải nghiệm đầy thú vị.
Hiện tại, bạn đang tập trung vào việc học tập và phát triển bản thân nên chưa có cơ hội thử sức với công việc bán thời gian. Do vậy, Kiều cố gắng chi tiêu hợp lý và phấn đấu đạt thành tích cao để có thể được nhận học bổng khuyến khích học tập của trường. Thúy Kiều mừng rỡ khi bản thân có tên trong danh sách sinh viên được nhận học bổng “Nâng bước thủ khoa 2023”. Ngoài ra, Kiều còn nhận học bổng tài năng của trường đại học trong kỳ thi tuyển sinh đại học chính quy năm 2023. Đây như một sự động viên, khích lệ Thúy Kiều gắng bước trên con đường theo đuổi kiến thức và đam mê.

Trong tương lai, Thúy Kiều mong muốn tốt nghiệp đại học thuận lợi và có cơ hội thử sức với vai trò là một Social Media Manager. Bên cạnh việc phát triển bản thân, Kiều muốn đóng góp chút sức nhỏ đến những người có hoàn cảnh khó khăn, giúp đỡ những đứa trẻ vì thiếu thốn mà không được đến trường ở quê nhà. Thúy Kiều chia sẻ, được đồng hành cùng các em nhỏ trên con đường chinh phục con chữ là một niềm hạnh phúc. “Gia đình nuôi dưỡng ý chí trong mình, còn xã hội nuôi dưỡng tâm hồn mình”, Kiều bộc bạch.
“Cơ hội luôn đến với người có sự chuẩn bị”, từ lời trích dẫn mà Kiều tâm đắc nhất, cô cho rằng cơ hội là do chính mình tạo ra và khi bản thân luôn cố gắng hoàn thiện mỗi ngày, cơ hội tự khắc sẽ đến. Do vậy, cô hy vọng những bạn sinh viên có hoàn cảnh giống mình, đang chông chênh trên con đường chinh phục tri thức sẽ không từ bỏ mà nỗ lực cho ước mơ của bản thân.
Nguyễn Thị Hồng Hạnh (sinh năm 2002) là một trong những sinh viên ưu tú của Trường Cao đẳng Kinh tế TP. HCM. Bằng sự nỗ lực và không ngừng phấn đấu, Hồng Hạnh đã được Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam tặng danh hiệu “Sinh viên 5 Tốt” tiêu biểu cấp Trung ương và Giải thưởng “Sao Tháng Giêng” năm 2023.
Hồng Hạnh là sinh viên vừa tốt nghiệp loại xuất sắc của Trường Cao đẳng Kinh tế TP. HCM. Trong những năm tháng học tập tại trường, nữ sinh gốc Tiền Giang đã đạt được nhiều thành tích cao trong học tập và rèn luyện. “Mình tốt nghiệp chuyên ngành Quản trị Kinh doanh loại xuất sắc vào tháng 5 năm 2023. Để đạt được điều này, mình đã phấn đấu trong cả một quá trình dài. Khi vừa bước vào trường, mình được bén duyên ngay với môi trường Đoàn-Hội. Tại đây, các anh chị đã chia sẻ cho mình rất nhiều kiến thức mới, từ cách đặt mục tiêu cho đến những bí quyết học tập tốt. Việc còn lại của mình là không ngừng nỗ lực, phấn đấu để đạt được những kết quả mà bản thân mong muốn”, Hồng Hạnh tâm sự.

Khi được hoạt động trong môi trường Đoàn – Hội, Hồng Hạnh đã từng đảm nhận vị trí Phó Chủ tịch Hội Sinh viên trường và Chủ nhiệm Câu lạc bộ Sinh viên 5 Tốt HCE. Theo Hạnh, Đoàn-Hội mang lại cho cô nhiều trải nghiệm khó quên, những chuyến đi đáng nhớ và những mối quan hệ đáng quý. “Khoảng thời gian được là sinh viên là khoảng thời gian đẹp nhất. Mình đã sống trọn đam mê cho những ngày tháng ấy. Nhìn lại khoảng thời gian học tập và công tác tại Trường Cao đẳng Kinh tế TP. HCM mình muốn nói cảm ơn. Cảm ơn gia đình, cảm ơn những người bạn đồng hành và cảm ơn chính mình, cảm ơn sự nỗ lực và kiên nhẫn đã giúp mình trưởng thành hơn qua từng ngày”, nguyên Phó Chủ tịch Hội Sinh viên Trường Cao đẳng Kinh tế TP.HCM chia sẻ.
Nhìn lại khoảng thời gian là sinh viên, Hạnh tâm sự: “Thời sinh viên ngắn lắm, chúng ta cần sống hết mình. Ai cũng chỉ có vài năm được là sinh viên. Vì vậy, chúng ta phải cháy hết mình nếu có thể. Mình từng nghe rất nhiều anh chị khóa trên truyền động lực và cảm hứng, mình rất thích những buổi như vậy. Mình là Hồng Hạnh và mình đã sống trọn những ngày tháng thanh xuân của bản thân, mình nghĩ các bạn cũng làm được”.